Tìm hiểu về đặc điểm, cách trồng và chăm sóc cây bí ngòi
Bí ngòi là một loại thực phẩm ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Với giá trị dinh dưỡng cao và sự dễ dàng trong chế biến, bí ngòi trở thành một món ăn ngon và hấp dẫn. Vì vậy, Vuontudong sẽ hướng dẫn bạn cách trồng và chăm sóc loại cây này.
Nguồn gốc và đặc điểm của cây bí ngòi
Bí ngòi (bí ngồi) hay còn gọi là Courgette, là một loại bí mùa hè thuộc họ thực vật Cucurbitaceae, cùng với dưa, bí spaghetti và dưa chuột. Tên khoa học của nó là Zucchini. Bí ngòi có thể đạt chiều dài lớn hơn 1 mét, nhưng thường được thu hoạch khi kích thước chưa tới 20 cm.
Mặc dù nhiều người xem bí ngồi là một loại rau, tuy nhiên theo phân loại thực vật học, đây là một loại trái cây. Nó có nhiều giống với màu sắc từ vàng đậm đến xanh đậm.
Bí ngồi có nguồn gốc từ châu Mỹ, tuy nhiên, nó lần đầu tiên được phát triển tại Ý vào đầu những năm 1800.
Bí ngòi có mấy loại?
Chúng ta có thể phân thành 2 loại bí ngòi phổ biến dựa vào màu sắc:
Bí ngòi vàng
Có thân tròn dài, được bao phủ bởi một lớp vỏ màu vàng rực rỡ, tạo nên sự bắt mắt cho quả bí. Loài bí này phát triển nhanh, chống lại sâu bệnh tốt và phù hợp với nhiều loại khí hậu khác nhau. Đây là giống bí ngồi có thể cho ra nhiều trái. Thịt bên trong của quả thường rất dày, có màu vàng tươi hoặc kem
Bí ngòi xanh
Là một loại rau củ có vỏ màu xanh, mỏng, ít vân và thịt dày. Với vị ngọt đặc trưng, bí ngồi xanh có thể được ăn cả vỏ, phần thịt trắng kem và hạt mềm. Hình dạng giống như dưa leo, thân dài, thon, láng và dài khoảng 25 – 27 cm. Loại bí này có thể được trồng quanh năm và cho quả nặng từ 1-3kg.
Chuẩn bị trước khi trồng bí ngòi
Để trồng bí ngòi trên sân thượng, cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:
Hạt giống
Để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và không chứa hóa chất, nên mua hạt giống từ các cửa hàng uy tín. Nếu trồng được vụ đầu, có thể lấy hạt từ trái bí già để trồng vụ sau.
Đất trồng
Bí ngòi có thể trồng trên mọi loại đất, tuy nhiên nên chọn loại đất sinh học sạch, giàu dinh dưỡng để cây phát triển tốt và khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh. Có thể sử dụng đất tribat hoặc đất hỗn hợp có trộn phân chuồng ủ hoai mục, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…
Chậu trồng
Có thể sử dụng thùng xốp hoặc chậu có bán kính từ 30cm trở lên và có đáy đục lỗ thoát nước. Nếu sử dụng chậu 30cm, nên trồng 1 cây trong 1 chậu, còn nếu trồng bằng thùng xốp cỡ lớn, có thể trồng 2-3 cây vào 1 thùng. Chậu càng to thì cây càng phát triển mạnh và cho nhiều quả.
Cách trồng bí ngòi
Sau khi đã sẵn sàng với đầy đủ các nguyên liệu, chúng ta có thể bắt đầu trồng bí ngòi bằng các bước sau đây:
Gieo hạt giống
Để kích thích hạt bí ngồi giống nảy mầm, ta nên ngâm chúng trong nước với tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh qua đêm trước khi gieo.
Sau đó, chuẩn bị khay gieo và cho hạt vào đất (gieo 3-4 hạt). Vùi hạt vào sâu khoảng 1,5cm và phủ một lớp đất mỏng bên trên. Sau khi gieo xong, ta chỉ cần phun nước hoặc tưới nhẹ để đảm bảo đất đủ ẩm cho hạt nảy mầm. Trong vòng 7-14 ngày, hạt sẽ nảy mầm và trở thành cây con.
Lưu ý rằng trong giai đoạn này, chúng ta cần đặt chậu ươm ở vị trí tránh chuột hoặc đậy miệng chậu bằng lưới hoặc bia để tránh chuột ăn mất hạt.
Khi cây con được khoảng 7-10 ngày, ta nên tỉa bớt cây xấu và chọn 1-2 cây khỏe để trồng. Sau đó chuyển cây con sang chậu để trồng.
Cách trồng
Khi cây con đã có 2-3 lá thật, ta có thể tách chúng ra khỏi chậu ươm để trồng trên chậu. Mỗi chậu chỉ nên trồng 1-2 cây. Khi mang cây con ra khỏi chậu ươm, ta cần nhẹ tay vì rễ bầu rất nhạy cảm. Khoảng cách trồng giữa hai cây nên từ 20cm trở lên, và nên trồng cây vào buổi chiều mát khi nắng đã tắt.
Sau khi trồng xong, bạn cần tưới nước mỗi ngày 2 lần và che phủ để tạo bóng râm trong vòng 1 tuần đầu để cây con hồi sức.
Cách chăm sóc bí ngòi
Để cây sinh trưởng tốt và đạt kết quả như mong đợi, chúng ta cần có một phương pháp chăm sóc hợp lý và đầy đủ như sau:
Bón phân
Cần bón phân ngay khi hạt giống bí ngòi nảy mầm để giúp cây có đủ khoáng chất và nguyên tố vi lượng để phát triển. Trong giai đoạn cây con, cứ cách 7-10 ngày, tưới nước phân đạm urê pha loãng quanh gốc cây.
Tuy nhiên, không được bón phân khi bí ngồi đang ra hoa. Khi cây đã đậu quả, cần tỉa bớt nhánh và cành hoa đực để cây tập trung nuôi trái. Cây bí khi ra hoa, phải tưới đủ nước ở gốc, không dùng vòi nước tưới trực tiếp thân và lá, để tránh rụng hoa và trái non.
Khi cây cao khoảng 30cm, bạn có thể dùng bã chè đắp quanh gốc và tưới nước vo gạo và nước sạch hàng ngày. Sau 1-2 tháng, bạn có thể bổ sung thêm đất mới vào gốc để cây có thêm dinh dưỡng. Nếu giàn bí của bạn đậu rất nhiều quả, cần buộc dây đỡ quả để giảm sức nặng cho thân cây hoặc phòng tránh giàn đổ khi có gió mạnh.
Khi cây đậu quả non, cần tưới phân đạm và kali vào gốc cây để tăng cường dưỡng chất cho cây nuôi trái.
Cách phòng chống sâu bệnh trên cây
Cần chú ý tỉa bớt cành nhánh và tránh để đất bị ngập nước, để tránh cho cây dễ bị nhiễm bệnh và giảm năng suất cây.
Nếu cây bí ngòi bị bệnh nấm thối nhũn, bạn có thể sử dụng thuốc sinh học theo cách sau: Giã nát củ riềng, trộn với nước theo tỷ lệ 1:1, lọc sạch và phun lên cây. Phương pháp này khá hiệu quả và an toàn, rất thích hợp cho những người trồng cây tại nhà. Nếu lá cây có rệp, nấm mốc, bạn có thể pha chế thuốc xanh metylen với betadine nồng độ nhẹ và phun lên lá.
Thu hoạch bí ngòi
Sau khoảng 60 ngày trồng, bạn có thể thu hoạch quả. Thông thường, quả bí ngòi dài từ 25-30 cm và mỗi cây cho trung bình từ 12-15 quả. Bạn có thể dùng dao hoặc kéo cắt đứt cuống để thu hoạch.
Kết luận
Bài viết trên của Vuontudong đã cung cấp cho bạn tất cả thông tin về cách trồng và chăm sóc bí ngòi. Hy vọng các bạn sẽ áp dụng thành công để sở hữu một vườn bí ngồi như mong đợi nhé!