Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây bí đao đúng kỹ thuật
Bí đao có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, giảm lượng nước thừa trong cơ thể. Hãy cùng Vuontudong tìm hiểu cách trồng và chăm sóc để tận dụng hết những lợi ích của loại cây này mang lại nhé!
Những điều cần biết về cây bí đao
Bí đao, còn được gọi là bí phấn, bí trắng, bí xanh… có tên khoa học là Benincasa hispida. Đây là một loại thực vật thuộc họ Bầu bí, dạng dây leo và được sử dụng chủ yếu làm thực phẩm.
- Cây phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Thời gian tốt nhất để trồng là từ tháng 12 năm trước đến đầu tháng 3 năm sau để đạt năng suất cao.
- Lá xòe, hình bầu có lông giáp, bề ngang khoảng 10 – 20 cm. Hoa màu vàng rực rỡ, mọc đơn chiếc và rất thu hút.
- Khi còn non, quả bí màu xanh lục có lông tơ. Quả ngày càng lớn thì màu sắc của chúng dần nhạt đi và có lốm đốm trắng, được phủ thêm một lớp phấn như sáp. Quả khi già có thể dài tới 2m và hình dạng trụ.
Đây là một loại thực phẩm ngon, bổ, rẻ và được ưa chuộng trong chế biến nhiều món ăn khác nhau. Ngoài ra, bí xanh còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Công dụng mà bí đao mang lại
Bí đao là một nguồn dồi dào các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Nó chứa nhiều thành phần quan trọng như cacbohidrat, đạm, sắt, kali, canxi, photpho, glucid, vitamin caroten, B1, B2, B3, C… Vì thế, bí xanh là lựa chọn tuyệt vời để bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe cho bạn.
Ngoài ra, bí xanh có nhiều lợi ích như giúp bạn có một thân hình hoàn hảo, ngăn ngừa nguy cơ thừa cân, béo phì, đồng thời còn có khả năng thanh nhiệt cơ thể, giải độc gan và tốt cho tim mạch.
Hướng dẫn cách trồng bí đao
Hạt giống
Việc chọn hạt giống là bước quan trọng nhất để trồng được một giàn bí xanh tốt, đầy quả.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại giống bí xanh như bí đao chanh, bí đao xanh, bí đao phấn trái dài, bí đao xanh khổng lồ,…
Để tìm được loại hạt giống phù hợp với mục đích và sở thích của mình, bạn nên chọn những quả bí to, tròn, đều và không có dấu hiệu bệnh tật để lấy hạt. Sau khi bổ đôi quả bí và nạo hết phần thịt mềm chứa hạt, bạn sẽ dễ dàng tách được hạt bí to có màu trắng đục, hình bầu dục thuôn nhọn một đầu. Hạt nên được rửa sạch và phơi khô trong khoảng 2-3 ngày trước khi bảo quản ở nhiệt độ thoáng mát để chờ thời điểm gieo.
Tuy nhiên, để đảm bảo độ nảy mầm của giống cũng như tránh mua nhầm giống hoặc hạt giống đã hết hạn sử dụng, tốt hơn hết là bạn nên lựa chọn các cửa hàng có uy tín để mua hạt giống.
Chuẩn bị đất trồng
Có thể sử dụng đất sạch kết hợp với trấu hun, mụn dừa, mùn cưa và các loại phân bón hữu cơ như phân bò, phân trùn quế và phân gà theo tỉ lệ ¼ đất, ½ giá thể và ¼ phân hữu cơ.
Bạn có thể bổ sung chế phẩm nấm Trichoderma sau khi trộn giá thể trồng để tăng cường hệ vi sinh có lợi trong đất, giúp cây bí đao sinh trưởng khỏe mạnh và hạn chế các bệnh nấm.
Nếu bận rộn, bạn có thể chọn mua bao đất sạch hữu cơ được phối trộn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Nếu diện tích trồng cây hạn chế, bạn có thể trồng trong thùng xốp có lỗ thoát nước, khay trồng đơn giản hoặc theo hướng thủy canh để tối đa hóa diện tích.
Tiến hành gieo hạt
Có thể chuẩn bị hạt giống của bí đao bằng cách ngâm trong nước ấm (tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh) trong 4-6 giờ trước khi rửa sạch và ủ trong khăn ẩm trong 12 giờ. Phương pháp này giúp hạt giống ít bị hư hại và tăng khả năng nảy mầm. Cần giữ ẩm cho khăn và khi thấy dấu hiệu nảy mầm thì đem gieo ngay.
Có 3 cách để gieo hạt giống:
Gieo trực tiếp vào đất
Trước khi gieo, xới đất cho tơi xốp, sau đó tạo một lỗ sâu 2-3cm và gieo hạt vào với đầu rễ hướng xuống đất. Khoảng cách giữa các cây bí đao là 50cm, cách hàng là 50cm. Sau đó, phủ một lớp đất mỏng lên trên và tưới nước đều để giữ ẩm cho hạt nảy mầm. Bạn có thể phủ thêm rơm, mụn dừa hoặc trấu hun để đất thoáng mát và tăng khả năng nảy mầm cho cây.
Gieo hạt giống vào chậu nhựa mềm
Bạn có thể sử dụng giá thể mụn dừa, giá thể trấu hun, giá thể Peatmoss hoặc bất kỳ giá thể ươm nào khác. Đặt hạt bí giống vào giữa các lỗ và phủ nhẹ lại bằng giá thể ươm. Tưới nước giữ ẩm và đặt chậu ở vị trí thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Gieo hạt giống vào viên nén xơ dừa hoặc mút ươm kie
Để tăng khả năng nảy mầm, bạn có thể ngâm viên nén xơ dừa hoặc mút ươm kie trong nước khoảng 2 phút trước khi gieo hạt giống vào (mỗi viên 1-2 hạt). Cần giữ ẩm để hạt giống nảy mầm nhanh chóng.
Khi cây bí đao lên được 2-3 lá và thân khá cứng cáp, có thể trồng ra đất đã chuẩn bị.
Chú ý: che nắng bằng lưới che nếu điều kiện thời tiết quá nắng nóng để cây không bị mất nước sau khi trồng.
Quy trình chăm sóc cây bí đao
Tưới nước
Thường thì cần tưới cây bí đao hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều. Bạn có thể sử dụng vòi sen để tưới hoặc nếu có điều kiện, bạn có thể lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và thời gian tưới.
Bón phân
Bón thúc lần 1: Sau khi gieo hạt khoảng 10-15 ngày và cây bí xanh đã phát triển 2-3 lá, cần bổ sung thêm phân hữu cơ cho cây như phân bò, phân gà, phân trùn quế.
Hoặc bạn có thể sử dụng các loại phân vô cơ có hàm lượng đạm cao để hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây:
- NPK 20-20-15 có thể sử dụng với tỷ lệ 100g cho 1 lít nước và tưới đều cho cây.
- NPK Minro 30-9-9 có thể sử dụng với tỷ lệ 50g cho 1 lít nước và tưới đều cho cây.
- Các loại phân bón lá hữu cơ dạng nước như phân đạm cá, rong biển và phân bánh dầu dạng nước cũng có thể được sử dụng.
Sau khi bón phân, cần tưới lại bằng nước sạch.
Bón thúc lần 2: Sau khoảng 15-20 ngày từ lần bón phân trước, cây đã phát triển đầy đủ thân cành và xuất hiện tua cuốn. Ta nên bón các loại phân vô cơ có hàm lượng lân và kali cao để hỗ trợ cho cây chuẩn bị bước vào giai đoạn ra hoa và phát triển quả.
- NPK 15-5-20 có thể sử dụng với tỷ lệ 50g cho 1 lít nước và tưới cho cây.
Bón thúc lần 3: Khi cây đã ra hoa và đậu quả, cần tăng hàm lượng phân NPK bón cho cây và bón mỗi 7-10 ngày cho đến khi quả lớn bằng 2 ngón tay thì ngừng.
- NPK 15-5-20 có thể sử dụng với tỷ lệ 100g cho 1 lít nước và tưới cho cây.
Làm giàn
Cây bí đao khi được trồng trên giàn sẽ cho năng suất cao nhất và dễ chăm sóc. Giàn có thể làm bằng lưới mắt cáo hoặc tre, khoảng cách giữa các cây làm giàn từ 0,5 đến 1m. Khi cây đã được một tháng tuổi, tiến hành làm giàn cho chúng bò lên.
Cây sẽ bám giàn và leo rất nhanh nếu được chăm sóc đúng cách và bắt đầu ra hoa khi dây trưởng thành từ 1,5 đến hơn 2m.
Một số sâu bệnh hại
Cây bí đao có thể bị tấn công bởi nhiều loại sâu bệnh hại như sâu xanh, sâu khoang, rầy hại và các bệnh như bệnh đốm phấn, sương mai, thối hoa quả, rụng trái non. Để giảm thiểu tác hại của chúng, bạn nên quan tâm và chăm sóc cây thường xuyên.
Thu hoạch
Ta có thể thu hoạch lứa bí đầu tiên sau 50-60 ngày trồng.
Kết luận
Hy vọng những chia sẻ hữu ích từ Vuontudong sẽ giúp bạn trồng thành công những cây bí đao đầy quả. Nếu muốn biết thêm chi tiết về cách trồng và cách chăm sóc của các loài cây khác thì hãy tham khảo qua những bài viết tiếp theo.